Monday, April 23, 2012

Thợ nail Việt ở Mỹ lo hóa chất độc hại

Tro lai trang nha: www.VinaHouston.com - Nien Giam Nguoi Viet

Nguồn CongDong.Cz : http://congdong.cz/home/45021/my-hoa-chat-lam-mong-gay-doc-hai-cho-tho.htm#ixzz1sro9OHwH

Thợ nail Việt ở Mỹ lo hóa chất độc hại

Người Việt nhập cư sang Mỹ không khó để kiếm tiền ở các tiệm làm móng, thế nhưng, nguy cơ sức khỏe từ các sản phẩm làm móng đang khiến người lao động phải suy nghĩ vì cái giá phải trả.
Theo một báo cáo mới từ Cơ quan kiểm soát hóa chất độc hại phát hành ngày 10.4, các nhà điều tra đã tìm thấy hoá chất độc hại trong các sản phẩm móng tay, một số trong đó đã từng được tuyên bố không độc hại, nâng cao những lo ngại về an toàn cho đội ngũ lao động trong nghề.
Những tiệm làm móng với hàng hàng các lọ sơn móng tay đầy màu sắc và những ghế mat-xa đã rất phổ biến ở California, nơi khách hàng có thể đến để làm móng tay, móng chân và các liệu pháp thẩm mỹ khác một cách nhanh chóng mà lại rẻ. Có khoảng 120.000 nhân viên làm móng được cấp giấy phép hoạt động tại hơn 48.000 tiệm làm móng trên toàn tiểu bang, 80% trong số đó là phụ nữ người Việt.
Cái giá cho sức khỏe là quá đắt

vo Thuy Thợ nail Việt ở Mỹ lo hóa chất độc hạiBà Võ Thúy đã làm việc ở tiệm làm móng Nữ hoàng, Brea nhiều năm qua. Các quy định về an toàn sức khỏe cho người lao động trong nghề này đang được tăng cường nhiều hơn. Ảnh: LA Times

Là quản lý của một tiệm làm móng tay ở Brea, Ông Đàm Phước, một người Mỹ gốc Việt đã kinh doanh tiệm làm móng suốt 25 năm qua, đang cố gắng để mua các loại sơn móng tay không có hóa chất độc hại. Ông đảm bảo rằng thẩm mỹ viện của mình có không khí trong lành và nhân viên của ông phải đeo găng tay bảo hộ khi cần thiết. Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng ông Đàm cho biết ông vẫn rất lo lắng về ảnh hưởng của các loại hóa chất trong sản phẩm làm móng lên nhân viên của mình. Vợ của ông Đàm, một trong những nhân viên làm móng lâu năm của tiệm, đã bị nhức đầu và chóng mặt kéo dài. Có vấn đề về hô hấp, kích ứng da và tiếp xúc với hóa chất cao hơn mức khuyến cáo cũng là các triệu chứng thường gặp ở các nhân viên làm móng.
Nguyễn Huệ, 58 tuổi, là thợ làm móng tay ở vùng Vịnh kể từ năm 2004. Là một người nhập cư, bà cho biết làm ăn ở đất này không khó và không đòi hỏi nhiều tiếng Anh. Nhưng ngay sau khi bắt đầu công việc, bà cảm thấy chóng mặt và đau đầu. Năm 2008, bà được chẩn đoán bị ung thư vú, trước đó, bà là một phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh. “Tôi nghĩ là có liên quan đến hóa chất. Nếu có thể, tôi muốn chọn một nghề khác vì cái giá cho sức khỏe là quá đắt”, bà Huệ nói.
Tất cả vào cuộc
Sự an toàn trong các tiệm móng tay đang thu hút sự chú ý từ nhà chức trách. Nghiên cứu, dựa trên một mẫu nhỏ các sản phẩm từ nhà phân phối vùng Vịnh, tập trung vào ba chất hóa học được gọi là “bộ ba độc hại” là formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate. Tiếp xúc với các hóa chất này có khả năng gây ung thư và dị tật bẩm sinh.
Theo bà Quách Thu, một nhà khoa học nghiên cứu tại viện Phòng chống ung thư California, người có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp làm móng, có rất ít quy định dành cho nhà sản xuất các sản phẩm làm móng. Số lượng hóa chất trong các sản phẩm làm móng dù ít cũng có thể gây nguy hiểm cho người lao động, đặc biệt là nếu các tiệm có cơ sở thiếu thông thoáng, bà Quách cho biết. “Đây là một vấn đề lớn và người lao động không phải là người đứng ra gồng gánh các vấn đề sức khỏe chỉ vì nhà sản xuất đưa ra những tuyên bố sai sự thật”, bà Julia Liou, đồng sáng lập tổ chức hợp tác bảo vệ sức khỏe các tiệm làm móng California và quản trị viên của y tế cộng đồng tại cơ quan dịch vụ Y tế châu Á, Oakland cho biết.
Thế nhưng, về phía nhà sản xuất, ông Doug Schoon, nhà khoa học và đồng chủ tịch Hội đồng của các nhà sản xuất sản phẩm làm móng lại cho rằng các quan chức y tế nên tập trung vào hệ thống thông gió và các thiết bị bảo vệ chứ không phải là sản phẩm. “Thay vì không sử dụng hóa chất, chúng ta nên dạy cho người dùng biết cách sử dụng các sản phẩm này một cách an toàn. Các loại sơn móng tay vẫn được sử dụng tốt trong hàng thập kỷ qua”, ông Schoon nói.
Những người chủ tiệm làm móng như ông Đàm và cháu trai của ông đều cho biết sẽ cố gắng giữ an toàn cho hàng chục nhân viên của tiệm. Tuy nhiên, ông cũng cần được các cơ quan hữu quan dạy cách phân biệt hóa chất nào là an toàn, hóa chất nào không an toàn vì rõ ràng rất khó cho những người như ông có thể phân biệt và tránh sử dụng chúng.
Bà Debbie Raphael, giám đốc cơ quan kiểm soát hóa chất độc hại cho biết các kết quả nghiên cứu cho thấy chính phủ cần làm việc chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng nhãn hiệu được dán trên bao bì là chính xác, cùng với những quy định để điều chỉnh những lựa chọn thay thế an toàn hơn cho người tiêu dùng và cả người lao động. Chính quyền các thành phố bắt đầu nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng từ các sản phẩm này. Các quan chức y tế Boston năm 2011 đã phê duyệt quy định yêu cầu các thẩm mỹ viện phải có giấy phép y tế và tăng cường bảo vệ cho người lao động. Còn San Francisco mùa hè này sẽ bắt đầu chính thức công nhận các thẩm mỹ viện sử dụng các sản phẩm không độc hại.
Ngọc Khanh (Los Angeles Times)

1 comment:

  1. Mình rất sợ sử dụng phải sản phẩm độc hại!
    Chi Thùy – Nhân viên trang điểm
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Những địa điểm chụp ảnh cưới đẹp tại TP.HCM
    • Hoặc Nhung dia diem chup anh cuoi dep tai TP.HCM

    ReplyDelete